Kinh tế Ai_Cập_thuộc_La_Mã

Sự buôn bán giữa La Mã và Ấn Độ bắt đầu từ đất Ai Cập theo sách Periplus of the Erythraean Sea, thế kỷ 1. Từ đó suy ra thuyền buôn La Mã đến Óc Eo cũng phải phát xuất từ Ai Cập.

Các tài nguyên kinh tế của Ai Cập vẫn không khác thời nhà Ptolemy (323 TCN - 30 TCN) nhưng người La Mã đã mang đến một hệ thống thuế khóa phức tạp hơn nhiều. Những loại thuế nhỏ có nhiều đến chóng mặt. Ngũ cốc được chở xuôi dòng sông Nil xuống cung cấp cho cảng Alexandria và để xuất khẩu đi Rome. Mặc dù có rất nhiều vụ dân chúng kêu nài bị quan lại sở tại áp bức bắt đóng thuế nặng quá, nhưng không có chứng tích rõ rệt là giá thuế chính thức có quá cao hay không. Chính quyền La Mã vốn khuyến khích tư hữu hóa đất đai và phát triển các xí nghiệp tư nhân trong các ngành sản xuất, buôn bán, nên nếu thuế quá nặng thì các ngành nghề ấy không phát triển được. Những người nghèo hơn sống nhờ làm tá điền trên các đất thuộc sở hữu của nhà nước hoặc của tư nhân giàu có và họ sống tương đối chật vật vì tiền thuê đất khá nặng.

Nói chung, mức độ dùng tiền tệ và sự phức tạp của kinh tế, ngay ở cấp làng xã, cũng rất cao. Hàng hóa được vận chuyển, trao đổi bằng tiền đồng (thời này chưa có tiền giấy) trên quy mô lớn và, tại các thị trấn và các làng mạc lớn, những hoạt động kỹ nghệ và thương nghiệp phát triển sát theo căn bản nông nghiệp. Vị thống đốc thứ ba là Gaius Petronius (24 TCN - 20 TCN) đốc suất nạo vét các kênh đào từ lâu không được bảo trì, khiến nông nghiệp được chấn hưng trở lại. Khối lượng buôn bán, trong và ngoài lãnh thổ, đều đạt đến đỉnh cao vào thế kỷ 1 và 2. Nhưng đến cuối thế kỷ 3 thì có nhiều vấn đề hiển nhiên. Tiền của hoàng đế ấn hành bị mất giá, thêm quá nhiều thứ thuế làm kiệt quệ người tiêu thụ. Các hội đồng hành chính địa phương thì bất cẩn và ít hữu hiệu. Tình trạng đó đưa đến nhu cầu cải cách dưới thời các hoàng đế DiocletianConstantine I.